1 - CHUẨN BỊ TRAI MẸ
Cách thứ nhất: ức chế tuyến sinh dục, thường được tiến hành vào đầu mùa sinh sản. Thời gian này nhiệt độ bắt đầu tăng sau mùa Đông lạnh nhưng tầng nước sâu nhiệt độ vẫn còn thấp. Nuôi Trai ở tầng nước sâu, với điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục.
Cách thứ hai: kích thích tuyến sinh dục phát triển nhanh, thường được áp dụng vào mùa Trai đẻ rộ. Kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục bằng cách nuôi trai ở tầng nước mặt có nhiệt độ cao (28-32oC). Sau một thời gian ngắn Trai sẽ thành thục và sinh sản. Sau khi Trai đã sinh sản thì chúng ta có thể tiến hành cấy nhân. Tuy nhiên sau khi sinh sản Trai thường yếu đi nên hiệu quả của việc cấy nhân sẽ không cao.
2 - LỰA CHỌN TRAI MẸ
Chọn Trai mẹ có kích thước phù hợp cho vào bể, đặt bụng Trai ngửa lên trên và duy trì nhiệt độ nước khoảng 28-30oC. Khoảng 1 giờ sau Trai sẽ mở vỏ, dùng kẹp mở miệng vỏ Trai (khoảng 1-1,5cm) để kiểm tra tuyến sinh dục. Nếu đạt yêu cầu thì chèn miệng vỏ và đưa về phòng thí nghiệm để tiến hành cấy nhân.
Trai dùng để cấy ngọc gồm hai loại, Trai kỹ thuật và Trai nguyên liệu. Trai kỹ thuật là Trai dùng để cấy nhân vào còn Trai nguyên liệu là Trai dùng để lấy mảnh màng áo. Tỉ lệ của hai loại này là 2:1-5:1. Trai nguyên liệu là loại khoảng 1-2 tuổi, Trai càng to càng tốt nhưng không nên vượt quá 5-6 tuổi. Việc chọn Trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này.
3 - CẮT MÀNG ÁO
Lớp xà cừ của vỏ trai do toàn bộ biểu bì mặt ngoài màng áo (mặt tiếp xúc với vỏ) tiết ra, nhưng chất lượng tùy theo vị trí của màng áo mà quá trình hình thành xà cừ nhanh hay chậm và chất lượng của lớp xà cừ cũng khác nhau. Theo kết quả thí nghiệm bằng đồng vị phóng xạ Ca45 thì mép màng áo là nơi hấp thu nhiều Ca45 nhất (trao đổi chất mạnh nhất). Vì vậy, hiện nay trong kỹ thuật cấy ngọc đều dùng lớp tế bào ở mép màng áo để cấy. Tuy nhiên, trên mép màng áo ở từng vị trí khác nhau cũng cho chất lượng xà cừ khác nhau. Một thí nghiệm khác cũng cho thấy mép màng áo ở phần bụng có khả năng phục hồi nhanh nhất và cho chất lượng ngọc tốt nhất.
Dùng dao mổ luồn vào cắt đứt cơ khép vỏ, chú ý không nên để dao đụng vào màng áo nếu không màng áo sẽ co lại. Lật vỏ ra cắt lấy phần bụng của màng áo, tẩy sạch chất nhầy rồi đặt lên giá tế bào. Khi đặt màng áo lên giá tế bào, lật mặt tiếp xúc với vỏ quay lên trên sẽ thấy có một đường vàng nâu cách mép màng áo khoảng 3-4mm chạy song song với mép vỏ. Dùng kéo cắt theo đường đó và loại bỏ phần mép rồi cắt màng áo thành từng miếng khoảng 2-3mm2. Khi cắt màng áo cần chú ý đến những điểm sau:
Phần mép ngoài màng áo là các tế bào tiết ra chất sừng chứ không tiết ra ngọc cho nên cần loại bỏ phần này. Khi cắt màng áo xong thì phải tiến hành cấy ngay. Trai dùng để lấy màng áo phải khỏe, không bị tổ thương hay dị tật. Dụng cụ phải sạch sẽ. Thao tác nhanh và chính xác.
4 - CẤY NHÂN
Cấy màng aó: Khi cấy đặt Trai lên giá cấy, bụng ngửa lên trên. Dùng móc móc lấy phần giữa chân kéo về phía sau cho chân giãn rộng ra. Cắt lấy một lỗ nhỏ ở giữa gốc chân, kích thước của vết cắt phải tương ứng với đường kính nhân cấy (lỗ mở hơi nhỏ hơn nhân cấy) rồi dùng kim thọc qua lỗ mở đó thông đến vị trí đặt nhân tạo thành một đường ống. Có ba vị trí cấy là nội tạng, trước xoang bao tim, và gốc xúc biện. Sau khi đã thông đường thì dùng kim đưa màng áo ghim lên mép của miếng màng áo đã cắt sẵn và đưa thẳng vào cuối đường ống. Khi cấy chú ý mặt ngoài của mảnh màng áo phải quay về phía nhân cấy.
Cấy nhân : Nhân thường dùng là vỏ trai nước ngọt hoặc thủy tinh đã được mài tròn, nhẵn bóng, đường kính của hạt từ 2-9mm (tùy theo kích thước của Trai kỹ thuật). Sau khi cấy màng áo xong thì tiến hành cấy nhân. Đặt nhân cấy vào đầu lõm của kim đưa nhân và đưa nhân vào tiếp xúc với miếng màng áo vừa mới cấy. Thao tác đưa nhân cũng giống như khi cấy màng áo.
Mỗi Trai kỹ thuật ta có thể cấy 5 nhân, một ở nội tạng, hai ở gốc xúc biện, hai ở trước xoang bao tim. Khi cấy ở trước xoang bao tim và gốc xúc biện thì thao tác cấy ở vị trí bên phải và bên trái là như nhau. Khi cấy màng áo và nhân ở nội tạng cố gắng tránh làm tổn thương đến cơ co rút chân và ống tiêu hóa, cấy ở vị trí trước xoang bao tim thì tránh việc cấy quá sâu dễ làm chết Trai.